Chuyên gia chăm sóc sắc đẹp quốc gia bỏ mức lương ngàn đô, chọn “truyền lửa” cho giới trẻ
Sinh năm 1991, thầy Lê Ngọc Anh – giảng viên ngành Chăm sóc Da & Spa của Poly K-Beauty – tiếp xúc với nghề thẩm mỹ – làm đẹp từ khá sớm. Quyết định đi du học Hàn Quốc năm 19 tuổi, anh trở thành người đầu tiên tại miền Bắc nhận bằng đại học chính quy ngành làm đẹp do Bộ Giáo dục Hàn Quốc cấp.
Cùng nhìn lại chặng đường dài của Ngọc Anh từ khi mới là cậu sinh viên năm nhất đến khi chạm vào những thành công trong nghề như ngày hôm nay.
“Lúc đầu, chỉ có 2 người ủng hộ tôi đi học thẩm mỹ – làm đẹp tại Hàn Quốc”
Trong hồi ức, anh Ngọc Anh có những tháng ngày tuổi thơ vô cùng bình yên và êm ả tại vùng ngoại thành Hà Nội. Kết thúc chương trình phổ thông, theo mong muốn của gia đình, chàng trai trẻ theo học chuyên ngành hoá dược tại Đại học Công nghiệp Việt Trì. Khi đang theo học năm nhất, trường liên kết với Đại học Dongshin Hàn Quốc, tuyển sinh viên đi du học nước ngoài. Tuổi trẻ thích đi nhiều nơi, khám phá những điều mới mẻ khiến Ngọc Anh nảy sinh ý định thử đăng ký. Được gia đình đồng ý, anh chọn ngành Môi trường tại Đại học Dongshin để đăng ký học.
Miệt mài học tiếng suốt 1 năm, cuối cùng chàng trai gần 20 tuổi cũng qua được vòng phỏng vấn của Đại sứ quán, thậm chí được nhận học bổng 30%. Thêm một năm học tiếng ở Hàn Quốc, Ngọc Anh chính thức bước vào chương trình học chuyên ngành Môi trường dài 4 năm.
Tại Hàn Quốc, Môi trường là một ngành đặc thù, nhiều cơ hội công việc nên khối lượng kiến thức lớn, quá trình học hành thi cử cũng nghiêm ngặt hơn những ngành khác rất nhiều. Lúc đầu, anh định học nghề này rồi sẽ về Việt Nam làm du lịch hoặc xin vào một doanh nghiệp nhà nước. Vậy nhưng mọi kế hoạch đều thay đổi sau một cuộc gặp định mệnh.
“Lúc đó, ở trường đại học Dongshin có đào tạo chính quy ngành làm đẹp, sinh viên phải thường xuyên tìm người mẫu để thực hành trang điểm. Hôm ấy, tôi đọc được một mẩu tin như vậy, vì tò mò nên quyết định đến làm mẫu xem sao. Sau khi tìm hiểu, thấy công việc này khá thú vị, hợp với mình, khối lượng kiến thức cũng vừa sức nên tôi tìm hiểu thử. Sau vài tuần suy nghĩ, hỏi ý kiến của các anh chị trong trường, tôi quyết định chuyển hướng từ ngành Môi trường sang ngành này.
Cách đây 8 năm, nghề này còn khá xa lạ ở Việt Nam nên gia đình, bạn bè tôi nghe đến chuyện theo học Làm đẹp đều không đồng ý. Trong thâm tâm họ, thẩm mỹ – làm đẹp dường như bị gắn với hình ảnh của những quán cắt tóc, gội đầu, mát-xa không mấy lành mạnh. Họ ngăn cản, dèm pha khiến tôi hết sức khổ tâm. Nhưng may mắn là mẹ – người gần gũi và yêu thương tôi nhất – luôn tôn trọng quyết định của tôi. Mẹ bảo, tương lai là của tôi, nên tôi phải có trách nhiệm với nó. Lúc đó, chỉ có 2 người lên tiếng ủng hộ tôi, đó là một người anh cũng là du học sinh trong trường, và một người bạn thân của mẹ tôi”.
Quyết định thay đổi ngành học khiến Ngọc Anh phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Ban đầu, tiếp cận với những kiến thức mới mẻ, chàng sinh viên năm nhất khá bỡ ngỡ. Những từ chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực từ mát-xa, Đông y, trang điểm… khiến anh mất nhiều đêm thức trắng làm quen, ghi nhớ. Nhưng càng cố gắng, chăm chỉ, Ngọc Anh càng được các thầy cô người Hàn quý mến, giúp đỡ. Cả lớp có 30 người thì chỉ có 3 người nước ngoài, trong đó có Ngọc Anh và hai sinh viên Trung Quốc.
Ngoài ra, một khó khăn nữa Ngọc Anh gặp phải là học phí ngành làm đẹp thuộc top cao nhất trường. Không muốn gia đình lo lắng, ngoài thời gian học trên lớp, thầy phải đi làm thêm. Để có tiền, anh nhận khá nhiều công việc: bốc vác, chạy bàn quán ăn, rửa chén, thu ngân… “Thu nhập từ tiền làm thêm giúp tối trang trải cuộc sống, lo tiền ăn uống trong suốt thời gian ở Hàn Quốc. Có nhiều du học sinh Việt Nam tranh thủ thời gian làm thêm có khi gửi về nhà 100 – 200 triệu/tháng, nhưng ngành học của tôi cần nhiều thời gian học kiến thức, thực hành nên không rảnh rỗi nhiều. Thường thì tôi tranh thủ làm vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông hoặc làm buổi tối. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đầu, tôi đã có chút vốn liếng và nghĩ đến việc kinh doanh mỹ phẩm xách tay từ Hàn về Việt Nam, vừa nhẹ nhàng, có thu nhập lại phù hợp với ngành học”.
Những lúc khó khăn quá, Ngọc Anh chỉ ước thời gian du học trôi qua thật nhanh để có thể về nước làm việc, gần gũi gia đình. Nhưng sau khi vượt qua khó khăn, anh mới thấy mọi việc đều có thể làm được. “Đây cũng là điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn học viên sau này. Hãy cố gắng hết sức, rồi bạn sẽ thấy rằng chẳng có khó khăn nào không thể vượt qua”.
Bỏ công việc lương ngàn đô để làm thầy giáo
Sau khi về nước, với tấm bằng đại học chính quy ngành làm đẹp do bộ giáo dục Hàn Quốc cấp, Ngọc Anh nhanh chóng được các doanh nghiệp, spa, khách sạn cao cấp săn đón, mời về làm việc. Thậm chí có một chuỗi khách sạn tại TP. HCM mời anh về làm quản lý bộ phận spa với mức lương 1.000 USD – con số ít ai ngờ với một du học sinh vừa về nước. Tuy rất muốn khẳng định bản thân nhưng cũng muốn gần gũi gia đình sau nhiều năm du học, chàng trai trẻ quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp.
“Lúc ấy thu nhập từ việc bán mỹ phẩm đủ để tôi lo liệu cuộc sống, cộng với việc làm phiên dịch cho một số doanh nghiệp Hàn Quốc nên kinh tế cũng khá thoải mái. Cơ duyên đến với nghề giáo khá tình cờ, trong một lần được nhờ biên dịch tài liệu cho một trường cao đẳng kiêm phiên dịch cho chuyên gia người Hàn Quốc. Một lần, vị chuyên gia ấy bị ốm, tôi đành đứng lớp để truyền đạt lại các nội dung trong tài liệu. Không ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên nên trường cao đẳng ấy quyết định giữ tôi lại, bồi dưỡng thêm để trở thành giảng viên”.
Lĩnh vực giáo dục như một mảnh đất mới mẻ và đầy thử thách nhưng luôn cuốn hút, hấp dẫn, thôi thúc thầy giáo trẻ tự hoàn thiện bản thân mình để “truyền lửa” cho các bạn trẻ muốn theo nghề làm đẹp. Với thế mạnh ngoại ngữ và được đào tạo bài bản tại Hàn Quốc trong thời gian dài, chỉ sau 1 năm thầy Ngọc Anh đã trở thành giảng viên uy tín của ngành làm đẹp, là chuyên gia trẻ nhất tham gia ra đề và huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề quốc gia và ASEAN năm 2016. Ngoài ra, anh còn giữ vị trí Trưởng ban chăm sóc da, uỷ viên hiệp hội đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, là giảng viên của nhiều trường trung cấp, cao đẳng, các trung tâm dạy nghề tại Hà Nội và TP HCM.
Năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi thầy Ngọc Anh quyết định chính thức hoạt động cùng Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic. Nghe cái tên FPT đã lâu, từ trong tiềm thức người giảng viên trẻ, tập đoàn này vốn gắn liền với công nghệ chứ không hề nghĩ lại liên quan đến ngành thẩm mỹ – làm đẹp. Tiếp nhận lời mời về làm giảng viên cho Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty, thầy Ngọc Anh vừa tò mò lại vừa ngạc nhiên, thích thú. Đó là bước khởi đầu cho một mối duyên nợ kéo dài đến tận ngày nay.
“Sau thời gian tìm hiểu, tôi quyết định đồng hành với FPT nói chung và Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty nói riêng. Cho đến nay, điều tôi ấn tượng và hài lòng nhất có lẽ là sự đầu tư bài bản, nghiêm túc cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng đào tạo, giảng dạy, tuyển chọn giảng viên. Hiếm có nơi nào chấp nhận “mạnh tay” nhằm giúp học viên có môi trường học chuyên nghiệp, hiện đại, mỹ phẩm thực hành chất lượng, đảm bảo, chất lượng đầu ra đạt chuẩn quốc tế như vậy”.
Là người làm trong ngành thẩm mỹ làm đẹp, ngày ngày tiếp xúc, truyền lửa cho các học viên, điều thầy Ngọc Anh mong mỏi nhất là học trò của mình sớm trưởng thành, nắm vững nghề nghiệp, tạo bước đà thuận lợi cho sự nghiệp trong tương lai, từ đó góp phần đưa ngành thẩm mỹ – làm đẹp Việt Nam ngày một phát triển. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng các cơ sở đào tạo tràn lan, chưa thật sự bài bản, chất lượng, thầy không khỏi suy tư, trăn trở. “Hiện nay ngành thẩm mỹ làm đẹp đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, các em hãy chọn cho mình cơ sở đạp tạo uy tín, chất lượng để có hành trang tương lai vững chắc nhất. Tôi tin với sự chăm chỉ, không ngừng học hỏi và lòng yêu nghề, các em sẽ sớm gặt hái trái ngọt của ngành nghề còn nhiều mới mẻ này”.